Giải quyết việc làm gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH tại tỉnh Bắc Ninh

Đối với ngành nông nghiệp

Nông nghiệp Bắc Ninh hiện nay vẫn là một ngành sản xuất chính của tỉnh, mặc dù chưa phát triển hết tiềm năng hiện có về năng suất cây trồng, vật nuôi, nhưng cũng đã góp phần giải quyết một cách cơ bản vấn đề lương thực cho tỉnh. Để giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH ngành nông nghiệp phải chuyển đổi một cách cơ bản, đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, phá vỡ độc canh cây lúa, hình thành các vùng chuyên canh, phát triển cây công nghiệp. Mở mang ngành nghề thu hút lao động, sử dụng lao động dư thừa trong nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đạt 17,5%, nhịp độ phát triển nông nghiệp thời kỳ 2001 – 2010 là 4,5%. Muốn vậy, phải đẩy mạnh chăn nuôi, đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính; đưa các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng trọt và chăn nuôi; chuyển một số diện tích đất ở những nơi có điều kiện, gần thị trường sang trồng rau, cây trái và trồng hoa.

Một số biện pháp phát triển chủ yếu sau:

– Giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đi sâu thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi.

Phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Phát huy hết tiềm năng sẵn có về diện tích đất mặt nước chưa sử dụng, những vùng đất trũng úng ngập thường xuyên của các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ để phát triển chăn nuôi thủy sản. Mạnh dạn hình thành các vùng chuyên nuôi gia súc, gia cầm và hải sản ở những huyện có tiềm năng và lợi thế để phục vụ cho nhu cầu của tỉnh và xuất khẩu.

– Phát triển nông nghiệp phải gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu nông thôn. Phát triển công nghiệp nhỏ, công nghiệp chế biến với xây dựng và phát triển nông thôn. Trong quá trình đó, ngay từ đầu phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống thu hút thêm việc làm.

– Khuyến khích cư dân nông thôn tự tạo việc làm ngay trên quê hương mình theo phương châm: “ly nông bất ly hương”. Chuyển một phần lớn con em nông dân sang làm việc ở các ngành nghề khác tại vùng quê mình.

– Phát triển các hoạt động dịch vụ với quy mô vừa hoặc nhỏ để hỗ trợ phục vụ sản xuất: cung ứng vật tư kỹ thuật, vận tải, sơ chế nông hải sản…

Đối với ngành công nghiệp

Mục tiêu phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2001 – 2010 là tạo ra được sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, có khả năng thu hút lao động ở nông thôn, từ đó tạo tiền đề để nông nghiệp phát triển có hiệu quả hơn, đi vào thâm canh và sản xuất phát triển. Phát triển công nghiệp tạo cơ sở thúc đẩy quá trình đô thị hóa và cấu trúc lại sự phân bố dân cư trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010 nhịp độ tăng trưởng GDP ngành công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 18,9%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 50,5%, trong đó công nghiệp đóng góp 43% (theo giá năm 1994). Dự kiến đến năm 2010 lao động công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 21,5% trong tổng số lao động xã hội của tỉnh.

Đối với ngành dịch vụ

Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, mở thêm các loại hình mới cả dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất và kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân trong tỉnh. Mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thương mại dịch vụ như thông tin, tư vấn kỹ thuật công nghệ, tài chính, ngân hàng, pháp luật, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… Tổ chức hình thành các chợ ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân có môi trường thuận lợi để giao lưu hàng hóa dịch vụ.

Phát triển mạng kết cấu hạ tầng đi trước một cách hợp lý, tương xứng với vai trò vừa là động lực vừa là cơ sở phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch, vận tải, bưu điện, tài chính, ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng lớn và then chốt. Đây là hướng cơ bản để tăng cầu lao động, tạo việc làm ở cả thành thị và nông thôn. Liên quan đến vấn đề này là hàng loạt các biện pháp đồng bộ từ Luật doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, chính sách hộ khẩu, chính sách thuế, vốn… đến quy hoạch tổ chức lại các vỉa hè, chợ, quản lý đôthị… đặc biệt là đào tạo các chủ doanh nghiệp trẻ, các hộ sản xuất kinh doanh,trạng bị cho họ những kiến thức cơ bản về thị trường và quản trị doanh nghiệp.