Theo thống kê của bộ lao động thương binh xã hội, hết năm 2008, cả nước mới có gần 30.000 lao động tại khối doanh nghiệp bị mất việc vì nguyên nhân kinh tế suy giảm. Bộ này đưa ra ước tính số lao động bị mất việc vì nguyên nhân trên trong năm 2009 sẽ vào khoảng 150.000 người. Còn theo cách tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ có thêm 0,33 – 0,34% lao động có việc làm. Như vậy, với Việt Nam, nếu GDP giảm khoảng 2% trong năm 2008 tương ứng sẽ có 0,65% việc làm bị mất. 0,65% tương đương với số lượng khoảng 300 nghìn người.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, thuộc Viện khoa học lao động và xã hội khẳng định, năm 2008 tổng việc làm mới được tạo ra chỉ là 800.000 so với khoảng 1,3 triệu việc làm mới được tạo ra trong năm 2007. Nhiều ngành sử dụng nhiều lao động có tốc độ tăng việc làm cao bị ảnh hưởng rõ rệt từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi tạo ra khoảng 50% việc làm trong hệ thống doanh nghiệp nói chung, mỗi năm tăng thêm khoảng 500.000 lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân sự.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2008, cả nước giải quyết việc làm cho 1,35 triệu lao động, trong đó thông qua các chương trình kinh tế xã hội là 1,1 triệu, xuất khẩu lao động 85.000. 4 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam là: Đài Loan (33.000), Hàn Quốc (16.000), Malaysia (7.800) và Nhật Bản (5.800).Malaysia là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Trong các năm 2005-2007, mỗi năm quốc gia này tiếp nhận khoảng 30.000 lao động Việt Nam. Năm 2008, do lo ngại nhiều rủi ro cũng như khan hiếm nguồn lao động, số người Việt sang Malaysia giảm hẳn, chưa tới 10.000.
Người lao động ở nông thôn đi xuất khẩu lao động rất đông, nhiều người vay mượn tiền để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, không may gặp những nước bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế trầm trọng, cũng đành tay trắng về nước.
Theo báo cáo tại Hội nghị việc làm và xuất khẩu lao động năm 2008, mục tiêu trong 2 năm 2009-2010 là giải quyết việc làm trong nước cho 3 đến 3,2 triệu lao động, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức dưới 5%, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp xuống dưới 50% năm 2010. Đến năm 2010, bình quân mỗi năm đưa được 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 60% lao động qua đào tạo nghề, có 5 đến 10% lao động ở các huyện có tỷ lệ nghèo cao.