Phân loại nghề nghiệp
Thế giới nghề nghiệp rất phong phú và đa dạng. Hiện có tới 70.000 nghề
và chuyên môn. Ở nước ta, danh mục nghề đào tạo công nhân do Viện Khoa học
Dạy nghề xây dựng có khoảng 400 nghề, còn nghề xã hội có hàng chục nghìn
nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Để tiến hành giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh, người ta
đã đưa ra nhiều cách phân loại căn cứ trên những tiêu chí khác nhau. Sau đây là
một số cách phân loại nghề được nhiều tài liệu đề cập:
Theo John Holland và các nhà tâm lý học nghề nghiệp hiện đại, nghề
được chia thành 6 kiểu tương ứng với 6 kiểu người: Kiểu thực tế cụ thể – thao tác
kỹ thuật (thợ, kỹ thuật viên…); Kiểu thận trọng nề nếp – nghiệp vụ quy củ (nhân
viên văn phòng, tài vụ, bưu điện, tiếp tân…); Kiểu kiên trì khoa học – điều tra
nghiên cứu (viện sĩ, chuyên viên nghiên cứu…); Kiểu linh hoạt quảng giao –
phục vụ xã hội (cán sự xã hội, giáo viên, bác sĩ, luật sư…); Kiểu chủ động uy
quyền – dựng nghiệp quản lý (giám đốc, đội trưởng, người đi lập nghiệp…);
Kiểu người sáng tạo tự do – văn học nghệ thuật (nhà văn, biên kịch, nghệ sĩ…).
Theo A.E.Glomstok, căn cứ vào xu hướng của học sinh về các lĩnh vực tri
thức và hoạt động khác nhau, nghề được phân thành 13 nhóm: Nghề hoạt động
trong lĩnh vực toán-lý; Nghề hoạt động trong lĩnh vực hoá học; Nghề hoạt động
trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử; Nghề hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật; Nghề
hoạt động trong lĩnh vực địa lý – địa chất; Nghề hoạt động trong lĩnh vực sinh học
và nông nghiệp; Nghề hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ và báo chí; Nghề hoạt
động trong lĩnh vực sử học và hoạt động xã hội; Nghề sư phạm; Nghề y; Nghề
nội trợ; Nghề hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; Nghề binh nghiệp.
Ngoài ra, còn nhiều cách phân loại khác về nghề như: phân loại nghề theo
kiểu nhóm rộng và theo đặc điểm của hoạt động nghề; theo dấu hiệu mức độ
phức tạp về kỹ thuật; theo diện chuyên môn nghề và hoạt động của nghề…
Nhìn chung, mỗi cách phân loại nêu trên đều dựa vào dấu hiệu nào đó về
nghề, theo mục đích khác nhau để phân loại nghề. Vì vậy, khó có thể đưa ra kết
luận cách phân loại nào là đúng đắn, phù hợp nhất. Tuy nhiên, theo “Tài liệu bồi
dưỡng giáo viên về hoạt động giáo dục hướng nghiệp”, trong nhiều cách phân
loại nghề, cách phân loại nghề theo đối tượng lao động của E.A.Klimov là phù
hợp với công tác hướng nghiệp hơn cả, bởi lẽ, chọn nghề trước hết là chọn đối
tượng lao động. Đối tượng lao động của nghề được hiểu là “hệ thống những
thuộc tính, những mối quan hệ qua lại của các hiện tượng, các quá trình mà ở
cương vị lao động nhất định con người phải vận dụng chúng” [38, tr.27]. Hoặc có
thể hiểu một cách đơn giản, đối tượng lao động “là cái mà sức lao động của con
người tác động lên nó thông qua công cụ lao động và trả lời câu hỏi: làm việc
với ai? Hoặc với cái gì?” [8, tr.131]. Hơn nữa, hiện nay, có nhiều quan điểm cho
rằng: hướng nghiệp là hướng đến thế giới việc làm, không chỉ hướng đến một
nghề mà cần hướng đến nhóm nghề và rộng hơn. Do đó, trong đề tài nghiên cứu
của mình, tác giả cũng sử dụng cách phân loại nghề của E.A.Klimov để tìm hiểu
hứng thú của học sinh đối với từng nhóm nghề cũng như quy các nghề mà học
sinh dự định chọn về từng nhóm nghề cụ thể. Dù vậy, việc quy các nghề về từng
nhóm nghề chỉ mang tính chất tương đối vì một loại nghề nào đó có thể xếp vào
kiểu này nhưng cũng có thể xếp vào kiểu khác. Chẳng hạn, nhân viên tài chính
ngân hàng với đặc trưng cơ bản là tiếp xúc với các con số, công thức nên được
xếp vào nhóm nghề Người – Hệ thống ký hiệu. Nhưng cũng có thể xếp nhân
viên tài chính ngân hàng vào nhóm Người – Người vì trong quá trình lao động,
họ thường tiếp xúc với rất nhiều khách hàng khác nhau.