Mặc dù cho đến cuối năm 2007 Việt Nam đã đưa 85.020 người đi làm việc ở nước ngoài (vượt mức kế hoạch năm 2007 là 80ngàn người) nhưng trong thời gian qua thị trường xuất khẩu lao động phát những tín hiệu không thuận lợi. Theo đánh giá của chuyên gia,một số thị trường nhận nhiều lao động đang gặp khó khăn, như nhu cầu lao động của Malaysia giảm đi, Đài Loan vẫn tạm ngừng nhận lao động Việt Nam làm việc tại các gia đình, Quatar giảm hẳn tốc độ tiếp nhận lao động từ giữa năm 2006 do tình trạng lao động Việt Nam vi phạm kỹ luật tăng lên. Ngoài ra, các thị trường đang tiến hành thí điểm như Canada,Hoa Kỳ chưa triển khai được do chưa giải quyết được vấn đề thủ tục nhập cảnh cho người lao động… Cụ thể, Đài Loan là một trong những thị trường truyền thống luôn tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam lớn nhưng do nơi đây vẫn tiếp tục tạm dừng nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong các gia đình, nên lao động đưa sang chủ yếu là lao động công nghiệp, xây dựng và thuyền viên đánh cá. Tổng cộng có gần 24ngàn lao động sang Đài Loan năm 2007, trong đó chỉ một phần đáng kể là lao động ký tiếp hợp đồng. Cũng trong năm qua, Malaysia tiếp nhận 26.704 lao động Việt Nam. Mặc dù vẫn chiếm số lượng cao nhất so với các thị trường khác, nhưng con số này chỉ bằng 70% số lao động đưa đi năm 2006. Sở dĩ như vậy là do hiện nay tâm lý người lao động muốn lựa chọn những thị trường có thu nhập cao hơn nên các doanh nghiệp không tuyển được người. Hiện nay, có khoảng 120ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này, thu nhập nhìn chung ổn định. Mặc dù phía Malaysia dự kiến thực hiện các giải pháp hạn chế nhận thêm lao động nước ngoài, nhưng nhu cầu lao động của thị trường này vẫn lớn. Thị trường này phù hợp với việc xóa đói giảm nghèo do không đòi hỏi quá cao về chất lượng lao động và chi phí trước khi đi thấp. Thị trương Ca-ta từ cuối năm 2006 đã bắt đầu nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, ngay sau đó trong các tháng đầu năm 2007 số lượng lao động đưa đi tăng rất nhanh. Tuy nhiên, do toàn bộ lao động đưa sang nước này là lao động xây dựng, chủ yếu là lao động tự học nghề, chưa qua đào tạo trường lớp nên ý thức tổ chức, kỹ luật kém. Một số công nhân đã vi phạm kỹ luật lao động, đình công, đánh nhau, thậm chí trộm cắp. Vì vậy, Bộ lao động – thương binh và xã hội đã phải chỉ đạo giảm nhịp độ đưa lao động đi để chấn chỉnh việc quản lý lao động.
Thị trường cao cấp cánh cửa đi vào còn hẹp. Thị trường Nhật Bản cũng là một trong những điểm dừng chân đem lại thu nhập cao cho lao động Việt Nam. Nhưng chủ yếu lao động Việt Nam đưa sang Nhật Bản là dưới dạng tu nghiệp sinh, phía bạn đánh giá cao tay nghề, tính cần cù, chịu khó và khả năng tiếp thu kỹ thuật lao động mới của lao động Việt Nam. Thu nhập bình quân của các tu nghiệp sinh ở mức từ 700-1.100 USD/tháng. Tuy nhiên hiện tượng các tu nghiệp sinh tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc với tỷ lệ khá cao nên hàng năm chỉ đưa được chừng 3.000 lao động sang. Điều này còn góp phần gây ra hình ảnh xấu của lao động Việt trên thị trường quốc tế. Với thị trường Sec, từ đầu năm 2007, Bộ lao động thương binh và xã hội chỉ đạo mở lại thị trường để thí điểm đưa lao động đi. Đến nay mới đưa được khoảng 400 lao động. Còn với thị trường Australia, số lượng không nhiều do lao động không đáp ứng được các điều kiện về tay nghề và ngoại ngữ. Riêng thị trường Hoa Kỳ và Canada vẫn chưa đưa được nhiều lao động sang làm việc do các doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin thủ tục nhập cảnh cho người lao động.