Chính sách huy động các nguồn vốn
Vốn là nhân tố cơ bản của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung và giải quyết việc làm nói riêng. Sự gia tăng về vốn làm tăng năng lực sản xuất trong nước, thúc đẩy gia tăng sản lượng và năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất ra, tạo khả năng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nhân tố: tài nguyên, lao động…
Huy động tối đa các nguồn vốn trong nước kết hợp với việc thu hút các nguồn vốn bên ngoài để phát triển sản xuất, mở rộng và phát triển việc làm cho lao động toàn xã hội.
"Đảng và Nhà nước ta chủ trương huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, trong đó vốn trong nước có ý nghĩa quyết định, vốn ngoài nước có ý nghĩa quan trọng, kết hợp tiềm năng sức mạnh bên trong với khả năng có thể tranh thủ ở bên ngoài. Chiến lược lâu dài là phải huy động tối đa nguồn vốn trong nước để chiếm tỷ lệ cao trong đầu tư ".
Huy động vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động
Vốn trong nước là quan trọng nhất không chỉ ở tỷ lệ của nó trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển, mà còn là nhân tố đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế và là điều kiện, tiền đề để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn bên ngoài. Yêu cầu vốn đầu tư với quy mô lớn như vậy, điều kiện hiện nay của nền kinh tế không thể đáp ứng đầy đủ được bằng nguồn vốn trong nước. Do đó, thu hút các nguồn vốn bên ngoài có ý nghĩa rất quan trọng.
Chính sách đất đai
Chính sách đất đai luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta, là một vấn đề quan trọng trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế và phát triển nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trong điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập và mở cửa, chính sách đất đai không chỉ là công cụ điều hành vĩ mô về kinh tế, mà còn trực tiếp tác động đến đời sống xã hội, chính trị của đất nước, của các địa phương và cuộc sống của hàng chục triệu con người.
Đối với nước ta đất đai là đối tượng cơ bản nhất của quá trình sản xuất và phát triển việc làm, đặc biệt là ở nông thôn. Theo Luật Đất đai, đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Người nông dân được Nhà nước giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài, được chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất để tập trung ruộng đất vào các hộ gia đình có khả năng sản xuất nông nghiệp hàng hóa… Đó là những chính sách rất cơ bản trong lĩnh vực ruộng đất, góp phần to lớn vào giải phóng tiềm năng lao động, tạo mở việc làm. Tuy nhiên, dưới góc độ chính sách việc làm, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng khuyến khích nông dân đầu tư khai phá và sử dụng có hiệu quả ruộng đất, tạo ra việc làm có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác.