Yêu cầu phát triển ngành dịch vụ logistics Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay

* Logistics và toàn cầu hóa Các công ty logistics ngày càng tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, mở rộng cơ sở kinh doanh ở nước ngoài. Toàn cầu hóa các hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi phải được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin hiện đại và Internet. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp kinh doanh logistics là phải nhanh chóng đáp ứng những thay đổi phạm vi thị trường bằng tầm nhìn bao quát trên toàn thế giới, sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả để quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa.

* Quản lý logistics phải giảm thiểu những gánh nặng đối với môi trường Trong quá trình quản lý các hoạt động kinh doanh logistics, doanh nghiệp cần sáng tạo ra các cơ chế, giải pháp nhằm tạo ra một xã hội tái chế hài hòa thân thiện với môi trường. Đó là các biện pháp: nhằm giảm lượng CO2 ra môi trường, tiết kiệm năng lượng và những nguồn khác thông qua việc lựa chọn nguyên vật liệu và phương pháp xử lý chất thải; sử dụng 3Rs (Reduce, Reuse, Recycle) tức là giảm thiểu, tái sử dụng, và tái chế trong quá trình kinh doanh. Logistics thân thiện với môi trường được thiết lập bởi sự hợp tác giữa chủ hàng và công ty kinh doanh dịch vụ logistics trong việc xem xét các dòng di chuyển của hàng hóa sao cho phù hợp. Đây là đề án "green logistics-logistics xanh" đang được thực thi tại Nhật.

* Phát triển logistics phải đưa ra các giải pháp cho những thay đổi về nguồn nhân lực và môi trường làm việc. Phát triển logistics trong một đất nước có mức tỷ lệ sinh thấp và dân số già như Nhật Bản, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết đối với các nhà kinh doanh logistics. Các công ty cũng cần đào tạo đội ngũ nhân lực có khả năng quản lý, có nghiệp vụ kinh doanh trong môi trường logistics toàn cầu hóa hiện nay.

* Tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế Quản lý logistics phải đảm bảo hoạt động kinh doanh minh bạch với các thông số rõ ràng để phục vụ tốt hơn cho quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Cải thiện các biện pháp an toàn trong kinh doanh, khuyến khích việc tiêu chuẩn hóa các loại dịch vụ, tuân thủ các quy chế chính sách đang là yêu cầu quan trọng trong việc hiện đại hóa các doanh nghiệp. Tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cung ứng dịch vụ tạo ra sự thuận lợi trong kinh doanh, tạo điều kiện để khách hàng có thể theo dõi lộ trình vận chuyển của hàng hóa. Logistics toàn cầu cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng sự an toàn sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ.