Tình hình kinh tế Nhật Bản

Nhật Bản là nước hết sức nghèo về tài nguyên trong khi dân số quá đông, phần lớn tài nguyên thiên nhiên phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp và với ý chí vươn lên của người dân, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973). Từ năm 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại song Nhật Bản tiếp tục là nước có tiềm năng lớn thứ hai trên thế giới về kinh tế, khoa học kỹ thuật, tài chính, chỉ xếp sau Mỹ. Một đặc tính cơ bản của nền kinh tế Nhật là các nhà sản xuất, người cung cấp và người phân phối đã kết hợp chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất được gọi là Keireitsu. Một đặc trưng khác là chế độ thuê mướn lao động suốt đời, làm cho người lao động trung thành gắn bó với công ty, cũng như duy trì ổn định lực lượng lao động của công ty. Tuy nhiên, hai đặc trưng này đang dần dần được thay đổi.

Dưới đây là một số số liệu về nền kinh tế Nhật Bản:

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, cụ thể là 4,6% ( tháng 10/2004), 4,2% năm 2005 và năm 2006 là 4,1%. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2003 là 5.566 tỷ yên (khoảng 4.300 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ là 8.000 tỷ USD). Năm 2005 GDP của Nhậ Bản là 4.799 tỷ USD, năm 2006 là 4.911 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2001: -0,9%; 2002: 0,6%; 2003: 2,7%; năm 2004: 1,4%; năm 2005: 2,5% và năm 2006: 2,8%. Tổng số nợ trong dân của chính phủ Nhật chiếm 140% (khoảng 6.500 tỷ USD) cao nhất trên thế giới. Tổng số nợ khó đòi 375 tỷ USD (tính đến tháng 7/2003), cơ bản đã được giải quyết vào đầu năm 2006. Dự trữ ngoại tệ tính đến tháng 4/2006: 860 tỷ USD (đứng thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc). Xuất khẩu năm 2005 đạt 598,2 tỷ USD, năm 2006 đạt 590,3 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phương tiện vận chuyển và linh kiện, bán thành phẩm, máy móc điện tử, các loại hoá chất. Đối tác xuất khẩu chủ yếu là Mỹ: 22,9%; Trung Quốc: 13,4%; Hàn Quốc: 13,4%; Đài Loan: 7,3% và Hồng Kông: 6,1%. Nhập khẩu năm 2005 đạt 518,6 tỷ USD, năm 2006 đạt 524,1 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: máy móc và linh kiện, nhiên liệu, lương thực thực phẩm, hoá chất, sản phẩm dệt và nguyên liệu thô. Đối tác nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc: 21%; Mỹ: 12,7%; Ả rập Xê út: 5,5%; Các tiểu vương quốc Ả rập: 4,9%; Australia: 4,7% và Hàn Quốc: 4,7%. Đặc biệt từ 1997 và nhất là từ đầu năm 1998 kinh tế Nhật bị lâm vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau khủng hoảng dầu lửa năm 1974 đến nay với những biểu hiện khủng hoảng hệ thống tài chính tiền tệ, đồng Yên, chứng khoán giảm giá mạnh, nợ khó đòi tăng cao, sản xuất trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn đạt mức kỷ lục trong 45 năm (5,5% vào tháng 12/2002). Năm 1997, GDP thực chất đạt -0,7%; năm 1998 là -1,8%.

Cuộc suy thoái kinh tế lần này của Nhật chủ yếu mang tính chất cơ cấu liên quan đến mô hình phát triển của Nhật đang bị thách thức bởi một môi trường đã thay đổi. Vấn đề phục hồi kinh tế thông qua đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, tài chính, ngân hàng đang là một vấn đề cấp bách đặt ra trước mắt đối với chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản đang xúc tiến chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính và sắp xếp lại cơ cấu chính phủCải cách hành chính của Nhật được thực hiện từ tháng 1/2001. Dù diễn ra chậm chạp nhưng cải cách đang đi dần vào quỹ đạo, trở thành xu thế không thể đảo ngược ở Nhật Bản, và gần đây đã đem lại kết quả đáng khích lệ, nền kinh tế Nhật đã phục hồi và tăng trưởng từ năm 2002. Năm 2006 tỷ lệ tăng trưởng GDP của Nhật đạt 2,8%.