Các loại hình văn hóa trong doanh nghiệp

1. Văn hóa dựa trên quyền lực (Power culture) Trong văn hóa dựa trên quyền lực chỉ có một trung tâm quyền lực duy nhất ở vị trí trung tâm, từ đó có sự ảnh hưởng tới mọi vị trí khác của doanh nghiệp. Các chùm ảnh hưởng này gắn các vị trí chức năng và tác nghiệp với nhau nhằm tạo thuận lợi cho việc phối hợp hành động. Trong loại văn hóa này dựa trên quyền lực, mối quan hệ được xây dựng và phát triển chủ yếu dựa vào sự tin cậy, sự đồng cảm và mối quan hệ cá nhân; Rất ít quy tắc, hầu như không có các thủ tục hành chính; Việc kiểm soát được tiến hành trực tiếp từ vị trí quyền lực và thông qua những đại diện được ủy quyền tối cao. Loại VHDN này thường trực diện và coi trọng hình thức hơn kết quả. Điểm mạnh của văn hóa chú trọng quyền lực là khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt. Tuy nhiên, điểm hạn chế chủ yếu là chất lượng phụ thuộc nhiều vào năng lực của những người ở các vị trí quyền lực và rất khó phát triển ở quy mô lớn.

2. Văn hóa chú trọng vai trò (Role culture) Văn hóa chú trọng vai trò được phản ánh qua cơ chế hành chính. Nguyên tắc tổ chức là tính logic và hợp lý. Sức mạnh của văn hóa chú trọng vai trò thể hiện ở tính chuyên môn hóa theo chức năng (sản xuất, marketing, mua sắm, tài chính…) được phối hợp và kiểm soát thống nhất bởi một nhóm những nhà quản lý cao cấp. Môi trường tổ chức của văn hóa chú trọng vai trò được đặc trưng bởi những quy tắc, thủ tục, mô tả công việc chính thức. Kết quả thực hiện công việc của mỗi cá nhân được coi là thước đo chủ yếu để thưởng phạt. Quyền hạn trong chừng mực nhất định, năng lực chuyên môn là những yếu tố chủ yếu cho việc thực thi nghĩa vụ. Điểm mạnh của loại văn hóa này là mang lại hiệu quả về chi phí và sự ổn định trong hoạt động. Tuy nhiên điểm yếu lại là sự cứng nhắc, trì trệ, chậm phản ứng trước những thay đổi.

3. Văn hóa chú trọng nhiệm vụ (Task culture) Văn hóa chú trọng nhiệm vụ là hình thức trong đó quyền lực được phân tán và chủ yếu bởi quyết định năng lực chuyên môn chứ không bởi vị trí quan trọng trong doanh nghiệp hay uy tín. Loại văn hóa này thường xuất hiện khi tất cả những nỗ lực trong doanh nghiệp đều tập trung vào những công việc hay dự án cụ thể. Trong văn hóa công việc, mọi người tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành công việc được giao; công việc tổ chức chú trọng vào việc tập hợp những con người và nguồn lực thích hợp để hoàn thành tốt nhất. Điểm mạnh của loại văn hóa chú trọng công việc là tính chủ động, linh hoạt, thích ứng tốt và đề cao năng lực hơn tuổi tác, địa vị. Loại văn hóa này rất thích hợp khi hoạt động trong môi trường cạnh tranh mạnh, chu kỳ sản phẩm, công việc hay dự án ngắn, đòi hỏi sáng tạo. Điểm hạn chế của loại hình này là tình trạng ngang hàng giữa các vị trí dẫn đến việc khó đạt hiệu quả trong quản lý, khó phát triển sâu về chuyên môn, lệ thuộc vào năng lực và trình độ cá nhân. Khi gặp khó khăn, loại văn hóa này dễ chuyển thành văn hóa vai trò hay văn hóa quyền lực thông qua sự xuất hiện của những quy tắc, thủ tục hay qua sự can thiệp bằng áp lực chính trị. Đây là loại hình văn hóa thích hợp với những người quản lý trung gian, trẻ tuổi.